Có 1 câu chuyện khá hay ho về Viettel mà tôi nhớ mãi. Ngày xưa tôi có nghe về chiến lược “lấy nông thôn, vây thành thị” của Viettel mà thấy hay vãi chưởng. Thấy kiểu nể không hiểu sao nghĩ được chiến lược đỉnh cao như thế. 1 phần cũng không hiểu tại sao những hãng viễn thông khá nổi ở thời điểm trước khi Viettel xuất hiện như Vinaphone Mobiphone lại không làm. Có lẽ do họ không giỏi như Viettel. Mãi về sau khi có cơ hội được tiếp xúc với 1 vài người thầy, được chỉ dạy và tìm hiểu sâu thêm. Thì tôi mới biết mọi chuyện không đơn giản.
Vấn đề không phải chỉ có mình Viettel nghĩ đến việc “lấy nông thôn, vây thành thị”, mà khả năng cao cũng có nhiều người nghĩ được. Nhưng làm thì không dễ. Bởi vì nó vướng ở 1 điểm chí mạng. Mà chỉ Vietel thời điểm đó tìm ra cách giải quyết bài toán đó. Sau khi họ giải được bài toán này, họ khai phá ra 1 nguồn lực cực lớn và biến nó thành lợi thế cạnh tranh, nhanh chóng thuận nước đẩy thuyền scale mạnh.
Đố mọi người biết các hãng viễn thông thời điểm đó gặp phải bài toán gì khi lên kế hoạch thực thi chiến lược “lấy nông thôn, vây thành thị”, và Viettel đã giải quyết ra sao?
Trước khi đọc đoạn tiếp theo, nếu có thời gian, bạn có thể tham khảo qua bài báo này và thử dự đoán nước đi chiến lược của Viettel xem.
Viettel từng khá là thành công nhờ việc kinh doanh dịch vụ điện thoại 178, nhưng với số lãi 10 triệu đô mà họ có được, xây được 150 trạm thu phát sóng là họ hết vốn. Không có khả năng phát triển nữa. Dự án đứng trước nguy cơ đứt gánh giữa đường. May mắn là lãnh đạo Viettel thời điểm đó có cơ duyên gặp 1 người phụ nữ Thái Lan, bà Pu, thời điểm đó là Tổng giám đốc 1 tập đoàn viễn thông (về sau thành thủ tướng). Bà đã mách nước cho Viettel 1 chiến lược khiến cuộc chơi thay đổi cục diện hoàn toàn.
Thời điểm ấy, thế giới đang phát triển mạng 3G, những cột thu phát sóng 2G người ta không còn muốn mua nữa, ngoài ra còn có rất nhiều bên đang muốn bán lại những cột thu phát đã dùng chán chê mà chẳng có người mua. Giờ Viettel nếu biết đường thì có thể đàm phán mua nợ, trả chậm thì khéo người ta cũng đồng ý. Và họ đồng ý thật. Viettel đang từ chỉ có 150 cột thu phát sóng, mua phát được 4000 cột nữa chậm trả trong vài năm. Đây chính là tiền đề cho chiến lược lấy nông thôn vây thành thị cực kỳ thành công của Viettel. Vì nếu không có cột thu phát sóng, không có vũ khí, thì sức đâu mà đi “lấy nông thôn”, chưa nói đến chuyện “vây thành thị”.
Bài học cá nhân tôi rút ra đó là, nguồn lực là yếu tố cực kỳ quan trọng của chiến lược. Nguồn lực sẽ ảnh hưởng đến năng lực thực thi. Nguồn lực nếu chỉ tính đến tiền thì bao nhiêu cũng hết. Nguồn lực nó còn là mối quan hệ, là kiến thức, kinh nghiệm, năng lực đàm phán,… Nguồn lực không chỉ là thứ mình đã và đang có, mà là thứ mình sẽ tận dụng những nguồn lực đang có để cố gắng tiếp cận, tạo ra nguồn lực mới, từ đó biến nó thành lợi thế cạnh tranh để vượt lên đối thủ.
Nếu thiếu đi khả năng nhận thức về nguồn lực, sẽ rất khó làm chiến lược. Và đôi khi nó sẽ trở thành 1 bản kế hoạch trên giấy, mãi mãi không thể thực thi.