Chuyên mục
Tư duy chiến lược

Tại sao tôi thường nói về chiến lược?

Nếu ai đó nhìn thấy tôi nói về chiến lược ở trên Facebook quá nhiều và quá nhàm thì… do là bạn chưa gặp tôi ngoài đời thôi. Còn trong công việc, khi đi cố vấn, tôi còn nói nhiều nữa. Bởi vì suy nghĩ và hành động mang tính chiến lược nó có thể mang đến rất nhiều lợi ích.

1. Tính dài hạn

Chiến thuật có thể giúp tôi thắng 1 trận đánh. Còn chiến lược sẽ giúp tôi ngay cả khi tôi thua trận đánh đó, tôi vẫn có cách để trong 1 cuộc chiến dài hạn, dành phần thắng chung cuộc.

1 trong những tư duy chiến lược cực kỳ hay tôi học được từ Sir Alex Ferguson đó là rèn luyện nền tảng thể lực và kỷ luật cho học trò cực kỳ tốt. Không phải tự nhiên ngày trước MU thường có những cú lội ngược dòng về cuối trận để có kết quả tốt. Theo cuốn sách “Dẫn dắt”, Sir Alex đã viết đại khái rằng nhờ có nền tảng thể lực và kỷ luật được chuẩn bị rất kỹ từ trước đó, vì vậy nên càng về cuối trận, khi đối thủ trở nên mệt mỏi, thì đó là lúc những học trò của ông trở thành kẻ săn mồi. Có tư duy chiến lược tức là có tầm nhìn dài hạn. Tầm nhìn đó đến từ việc hiểu biết về nguồn lực, hiểu đối thủ và không ngừng tạo ra những lợi thế cạnh tranh.

2. Tính linh hoạt

Những mục tiêu trong cuộc sống và kinh doanh của tôi thường là mục tiêu di động. Nó không như 1 quả bóng đứng yên cho tôi đá. Nó là khi tôi bán được 1 sản phẩm, thì đối thủ của tôi mất 1 khách hàng. Ai cũng muốn chiến thắng, và bạn đâu có dễ dàng chịu thua. Tư duy chiến lược đối với tôi phải đi xuyên qua được việc đó.

Tôi luôn có 2 mode tương đối rõ ràng, 1 là sinh tồn, 2 là săn bắn. Trước hết, bằng mọi giá phải sống được đã. Việc này về cơ bản là không khó. Đặc biệt với thời điểm tôi mới bắt đầu. Để sống được thì cố gắng chút, tằn tiện chút là được. Vấn đề chỉ nảy sinh khi có 1 vài thành công, tôi từng nghĩ rằng mình đã tìm ra chân lý, và sẽ có thể win được mãi. Đó là lúc tôi bắt đầu xuống dốc.

Vì sao? Vì “sống chết có số, phú quý do trời” thôi. Mãi sau này tôi mới nhận ra vì sao trong Binh Pháp Tôn Tử có ghi rõ: “Biết người biết ta, trăm trận không bại”. Mình có giỏi mấy thì cũng chỉ có thể chắc chắn khả năng để không bị thua mà thôi, còn muốn thắng được thì phải chờ đối thủ sơ hở. Nên đôi khi mình thắng mà cứ nghĩ là do mình thì hỏng.

Tính linh hoạt của chiến lược chính là ở việc phải đủ nhạy cảm để biết khi nào nên bật mode “sinh tồn”, khi nào nên bật mode “săn bắn”.

3. Tính tận dụng

Tôi đã không nhận ra tầm quan trọng của nguồn lực cho đến khi tôi nghiên cứu về chiến lược vài năm. Hóa ra có quá nhiều thứ tôi có trong tay nhưng tôi không để ý đến. Nhiều khi còn bị lóa mắt FOMO những thứ người khác có thể chạy theo, mà không chịu khai thác chính những gì đang có. Đó là lý do vì sao tôi không thể tạo ra được 1 kết quả gì chính mình cảm thấy hài lòng.

Nguồn lực đương nhiên không chỉ là tiền. Nó là kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, mối quan hệ, tư duy. Nó không chỉ là những thứ đang có sẵn, mà còn phải tính toán đến những thứ có thể tiếp cận 1 cách dễ dàng và có thể xây lên nhanh hơn người khác. Ví dụ như tôi phát triển về mảng chiến lược, tôi khai thác cả nguồn lực đam mê manga, tính cách hướng nội, và cả những sai lầm trong quá khứ của bản thân gom lại. 30 năm sống trên đời có những gì tôi luôn cố gắng mài ra bằng hết. Rồi tiếp tục đến của nhân viên và những người xung quanh.

Đương nhiên, tôi chưa thực sự làm tốt. Nhưng tôi vẫn đang quyết liệt phát triển từng ngày.

Trên đây là 3 yếu tố chính khiến chiến lược trở nên quan trọng đối với tôi. Đó cũng là lý do tôi muốn liên tục chia sẻ về nó vì tôi nghĩ nó giúp ích được cho những người xung quanh.

Bởi Hạ Hồng Việt

Tôi làm chiến lược và ứng dụng tư duy chiến lược trong kinh doanh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *